Friday, February 27, 2009

CHÍN CHỮ CÙ LAO


·Hơn nửa thế kỷ trước, tôi học Bài học thuộc lòng có những câu :
·
· ‘’Cha sinh,mẹ dưỡng,
· Chữ cùlao lấy lượng nào đong.
· Thờ cha kính mẹ hết lòng,
· Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường....’’
· Ngày nay,.khi đọc những câu trên, sợ rằng có người
· không hiểu rõ nghiã chữ ‘’cù lao’’,nên xin có đôi lời bày tỏ:
·
·
Theo Từ Điển HánViệt Từ Nguyên của Bửu Kế,(Nhà Xuất bản Thuận Hoá,1999,) hai chữ ‘’cù lao’’ dược định nghiã như sau:
· Cù Lao: (trang 291) Cù : Siêng năng,nhọc nhằn. Lao:Khó nhọc
· Cha Mẹ siêng năng khó nhoc để nuôi dưỡng con cái.
·
Kinh Thi có câu :’’ Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã,trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, phúc ngã. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực’’.(tạm dịch : Thương thương cha mẹ, sinh ta khó nhọc. Cha sinh ra ta(sinh ngã) mẹ nâng đỡ ta (cúc ngã), vuốt ve ta(phủ ngã), cho ta bú (xúc ngã) , nuôi ta lớn lên (trưởng ngã),dạy dỗ ta (dục ngã), đoái tưởng đến ta (cố ngã),săn sóc dạy dỗ ta (phục ngã), che chở ta (phúc ngã). Muốn báo ơn sâu như trời cao lồng lộng, sâu thẳm vô cùng.(Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực)
·
Mỗi khi đọc những câu trên, người viết bài này thường rất xúc động, nghẹn ngào nước mắt trào ra không sao ngăn nổi. Bản tính dễ xúc động, đa cảm ấy, hiển nhiên tôi đã thừa hưởng từ cha tôi và ông nội tôi. Cha tôi thường kể lại chuyện ông bà nội rất hiếu thảo đói với cụ tằng nội tổ , Cụ Vũ Đức Khiêm ,Tri Phủ Thông Hóa Bắc Ninh hồi cuối thế kỷ 19.Trước khi cụ Phủ qua đời, cụ có trối lại: ‘’Min (tiếng cổ có nghiã là:ta ) biết ông bà Hàn rồi, là người có hiếu hết lòng thờ cha kính mẹ. ‘’ Ông Nội là tín đồ Tin Lành gương mẫu, mỗi lẫn Ông Nội cầu nguyện, ông mặc áo dài, đội khăn chỉnh tề ;khi nhắc tới Cha Mẹ, ( Hai Cụ Phủ), Ông thường khóc, hai môi ông mím lại, cố đè nén cảm xúc .Hình ảnh một cụ già 70 tuổi khóc nhớ cha mẹ, trước mắt tôi,chú bé lên 10 tuổi, còn ghi sâu mãi trong tâm khảm tôi.
·
Cách đây chừng hơn 50 năm, trong cuộc chiến Việt- Pháp, cha tôi từ Hà nội tản cư về quê nhà, làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.Thời gian này, Cha tôi có dịp được ở gần Ông bà nội, và người đã hầu hạ, phụng dưỡng ông bà nội hết lòng.Hằng ngày, mỗi sáng tối, Cha đến nhà ông bà nội thăm nom,săn sóc ân cần, đúng theo tinh thần ‘’hôn định thần tỉnh’’ của người xưa.( Theo Hán Việt Từ điển Giản Yếu của Đào Duy Anh, Trường Thi xuất bản, 1957, Trang 389, Hôn Định Thần Tỉnh có nghĩa là: Buổi chiều ( hôn) phải hầu cha mẹ,xem cha mẹ có ngủ yên (định) không, buổi sáng mai (thần )phải thăm xem cha mẹ có được yên giấc không, và đã thức dậy(tỉnh) chưa? Điều này ta thường gọi là đạo thần hôn, con cái phải luôn thăm viếng cha mẹ mỗi ngày ít ra là hai lần. Nhưng ở thời đại này, có mấy người con biết rõ điều để đối xử với cha mẹ như người xưa?) .Mỗi bữa ăn sáng chiều, mẹ tôi dọn cơm đặt vào mâm, cha tôi đi cùng người giúp việc mang sang nhà ông bà nội, ở cách xa chừng 300mét, và người đứng quạt hầu ông bà nội ,khi ông bà nội dùng cơm. Cha tôi làm việc này suốt mấy năm cho đến khi ông bà nội qua đời hồi đầu thập niên 50. Những năm sau đó,khi di cư vào Nam ,cha tôi vẫn giữ quan niệm ‘’sự tử như sự sinh,’’(thờ cha mẹ khi chết cũng như khi sống. ) Trước mỗi bữa ăn, người thường đứng trước hình ông bà nội và nói:’’ Mời cha mẹ xơi cơm ạ.’’Hồi ấy, tôi thật là vô lễ khi cho rằng cha tôi lẩm cẩm, nhung bây giờ tôi thấy Cha tôi có lý của người, và người đã dạy cho chúng tôi một bài học về lòng tưởng nhớ cha mẹ . Hình ảnh cảm động nhất là Cha tôi thường đứng trước hình ông bà nội, mắt đẫm lệ, miệng hát nho nhỏ:
· ‘’Cha Mẹ ơi, con biết lấy chi đền bồi,
· Ơn sâu hơn biển, cao hơn trời? ‘’
·
Cho đến nay, ở tuổi ngoài 70 , tôi chưa thấy một người nào hiếu thảo gương mẫu như cha tôi.và khi viết những dòng này, nước mắt tôi trào ra không ngăn nổi. Tôi hối hận vì những ngày cha mẹ tôi còn sống, tôi đã bao lần làm cho cha mẹ tôi phiền lòng vì đã bất hiếu, nhiều lần cãi lại cha mẹ, hoặc làm trái ý cha mẹ .
·
Cha mẹ tôi khi sinh thời thường nói: ‘’Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy’’,và đây là một kinh nghiệm qúy báu,mà chúng ta nên áp dụng và dạy dỗ cho các thế hệ con cháu sau này.
·
‘’Tháng 4-1975, tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng, anh Cả tôi may mắn được di tản kịp trước khi giặc Cộng vào Saigòn. Anh chị tôi đem cha mẹ tôi đi cùng. Suốt gần 10 năm Cha tôi bị tê liệt nửa mình, từ 1982 đến 1990, cha qua đời, anh cả là người giúp mẹ hầu hạ cha tích cực nhất ,sốt sắng nhất, với sự tham dự của các em Lâm Thiện Ngôn(em rể) và Vũ Trung Hiền. Khi hầu hạ cha, tất cả những công viêc từ nặng đến nhẹ, từ sạch sẽ tới dơ bẩn, anh cả giành làm hết, không nề hà, không phàn nàn,và mặc dù gặp những tị hiềm, những hiểu lầm, anh Cả chịu đựng hết. Có thể nói là ở thời đại chúng ta đang sống, rất ít người đã hầu hạ Cha Mẹ như anh Cả tôi đã làm.
·
Một điều nữa đáng ghi nhận là những năm trước khi cha qua đời,các em Vũ Trung Hiền và em rể Lâm thiện Ngôn cùng cháu Vũ Trung Hoà đã phụ giúp anh Cả, hết lòng hầu hạ Cha và ông nội,không nề hà dơ bẩn, chăm nom, săn sóc vệ sinh, tắm rửa hằng ngày.
· .
Tôi viết ra những điều này, không chỉ có mục đích ca ngợi anh Cả và các em ,mà còn muốn ghi lại những việc tốt lành đã được thực hiện theo truyền thống hiếu hạnh của đại gia đình họ Vũ.
·
Sau khi viết phần đầu của bài Chín Chữ Cù Lao, người viết nhận được thư của chú em thứ sáu, Vũ Ngọc Bích, xin trích ghi thêm vào bài này để lưu làm tài liệu:

Ngày 26-7-2002.
·
Thưa anh chị thân mến, Em có đọc bản thảo bài Chín Chữ Cù Lao của anh trên Internet, rất cảm động. Em xin gửi anh một vài chi tiết như sau:Trước ngày 30-4-1975, đại gia đình ta chỉ có 2 gia đình duy nhất được rời Sài-gòn bằng cầu không vận Hoa kỳ.Gia đình anh chi Cả có cha mẹ già cùng đi và gia đình em. Cuối 1975, em đưa gia đình rời Virginia qua California và ở gần cha me tại North Hollywood. Anh chị Cả ở Pasadena cách chỗ cha mẹ ở chừng 26 miles.Trong 7 năm sống gần cha mẹ tại đây,chúng em cảm thấy được an ủi khi xa quê hương.Chúng em cố gắnglàm mọi việc tốt đẹp để cha mẹ được vui lòng.Tuy không hầu hạ cha mẹ mỗi ngày như cha mẹ đã phụng dưỡng ông bà nội ngày xưa, nhung mỗi khi vợ em nấu món ăn ngon cũng nhớ tới cha mẹ già và em đích thân mang tới biếu cha mẹ. 18 tháng sau khi tới Mỹ, em mua căn nhà dâu tiên,gần nhà cha mẹ, và đó là thời kỳ vui nhất, ông nội thường hay đi bộ qua nhà em,nhắc nhở các cháu học bài,và dạy các cháu hát thánh ca, cầu nguyện. Mỗi sáng chúa nhật, chúng em thường đón cha mẹ đi nhà thờ và đi siêu thị mua thức ăn.Cha mẹ thuê một căn phòng ở tầng 2 nên đi lên xuống cầu thang cũng bất tiện.
·
Có lần đi chợ, cha thấy gạo lứt bán sale, cha mua liền 10 bao. Em khuân ra xe và sau đó hì hục khuân lên gác chất vào góc bếp cũng khá mỏi vai. Vài năm sau, sức khoẻ cha mẹ giảm dần, nên em phải đưa đi nhà thương gặp bác sĩ thường xuyên. Thời gian này, em đi làm ban ngày,vợ em đi làm ca tối, nên có thể săn sóc cha mẹ rất chu đáo.Khi đi thăm bác sĩ, vợ em thận trọng dìu cha mẹ vào thang máy để đến phòng mạch.Bác si hỏi ông nội:’’Có phải đây là con gái cụ không?’’ Cha hãnh diện trả lời:’’ Không, đây là con dâu tôi!’’Bác sĩ và cô y tá trố mắt ngạc nhiên,thán phục văn hoá Việt nam,vì ở Mỹ, con dâu thường ít quan tâm đến cha mẹ chồng.Vợ em có kể lại rằng,lúc đó cha mẹ cười vui rạng rỡ,và tự hào vì con dâu hiếu thảo , thương yêu săn sóc cha mẹ. Sau đó, vợ em có thưa cha mẹ rằng:Con mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi, nay cha con cũng đã qua đời , nên con coi cha mẹ cũng như cha mẹ ruột của con vậy.Nói xong vợ em lau nước mắt, và trên má mẹ già lấp lánh những giọt lệ.Có một điều em rất hãnh diện là suốt hơn 30 năm làm dâu nhà họ Vũ mà chưa bao cha mẹ nặng lời với vợ em.
·
Một năm trước ngày cha bị tai biến mạch máu não,vợ chồng em đến thăm cha mẹ trên căn gác đường Dundas Drive, North Hollywood, cha có bảo em giúp cho bà cụ Bào một phòng ở cùng nhà em. Em thưa với cha là chúng em có 2 vợ chồng với 4 con , e chật chội. Vừa nghe em trả lời, cha nổi nóng đuổi theo em;mẹ đứng giữa ngăn lại,em chạy nhưng vừa tới cầu thang,em đứng khựng lại ngay ,vì sợ bước thêm cha đuổi theo sẽ bị ngã. Lúc đó dường như cơn giận của cha đã hạ,cha chỉ ‘’phát nhẹ 2 cái trên vai em,và nói là con phải giúp người già nua, goá bụa chứ!Em không cảm thấy đau., nhưng em nhớ lại khi em khoảng 10 tuổi, mỗi sáng lúc 6giờ 30, cha thường đánh thức mấy anh em mình dậy sớm tập thể dục,; có lần em ngủ nướng,bị cha phát 2 cái vào mông thật đau, và bây giờ bị 2 phát vào vai,em không thấy đau gì cả.Em nhớ câu chuyện ‘’Nhị Thập Tứ Hiếu’’ cha thườngkể cho anh em mình nghe,. Trên đường lái xe về nhà, em chỉ yên lặng,mắt ứa lệ,khi nghĩ đến cha dã già,sức khỏe đã cạn kiệt,nên đánh mình không thấy đau nữa.Vợ em gạn hỏi’’ sao hôm nay anh buồn’’, em chỉ trả lời là ‘’khi nghĩ tới cha mẹ sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng nên anh buồn’’....(Trích thư Vũ Ngọc Bích).
·
Tôi ghi lại những cảm nghĩ và sự việc trên, với niềm mong ước là khi các con cháu tôi đọc những dòng chữ này thì có những suy nghĩ ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.Đó là điều tâm nguyện của tôi trong những năm tháng cuối đời tôi.
·
San Jose, tháng 10-2002
·
· Vũ Đức Nghiêm

No comments:

Post a Comment