Tuesday, July 21, 2009

SINH ĐIẾU HÀ THƯỢNG NHÂN


Ôi, sinh ký tử quy là thế,
Tiễn người đi, giòng lệ tuôn rơi.
Vài năm nữa, chẵn trăm rồi,
Thương ơi ! người đã vội rời nhân gian.
Ta ở lại, bàng hoàng ngơ ngác,
Cánh hạc vàng bay khuất về đâu.
Trời xanh mây trắng bạc mầu,
Ngàn xưa lãng đãng, muôn sau ngậm ngùi.
Còn nhớ thuở “ Bên Trời Lận đận”
Hoàng Liên Sơn khóc hận quê hương.
Xót xa đất nước tang thương,
Đêm đêm nghiến vỡ hàm răng căm thù.
Hờn căm biến thành thơ lửa giận
Phá oan khiên, thét hận lưu đầy.
Hàm Tân ngậm đắng nuốt cay,
Lào cai, Yên bái bao ngày lao lung.
Chiều Nghệ Tĩnh, anh hùng mạt lộ,
Đêm xà lim cuồng nộ mưa rơi…..
……………………………….
Người về nơi ấy thảnh thơi,
Vi lô xào xạc, bồi hồi lòng ta.

San Jose, July 18, 2009
Ghi lại những ngày Hà Thượng Nhân nằm Viên Dưỡng Lão

Vũ Đức Nghiêm

Saturday, April 25, 2009

Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo

Tháng 4-1975, ngày giặc Cộng vào cưỡng chiếm miền Nam, ngày oan khiên nghiệt ngã nhất trong lịch sử Việt nam hiên đại. Chồng tôi, một sĩ quan cấp Tá, Quân lực Việt nam Cộng hoà, cũng bị đi tù , và kể từ 15 tháng 6 1975, gia đình chúng tôi bị tan tác, chia lià, một mình tôi phải chịu trách nhiệm nặng nề nuôi dạy bẩy đứa con, đứa lớn nhất, 19 tuổi và nhỏ nhất mới lên 8.
Ngày chồng tôi đi tù, anh đang ở Sài gòn, gia đình ở Đà lạt nhận tin anh sẽ đi trình diện ngày 15 tháng 6 và nhắn tôi về Sàigòn , nhưng thư đi chậm, tôi về tới nơi thi đã quá muộn, anh đã đi trước một ngày.
Ta có câu, ‘’Con có cha như nhà có nóc’’, nay chồng tôi đi xa, 8 mẹ con tôi bàng hoàng trước cơn lốc thời cuộc,và từ đó,bắt đầu chuỗi ngày thê thảm cùng cực dưới sự cai trị bạo tàn và ngu xuẩn của lũ giặc dép râu nón cối.
Mới đây, tôi đọc ‘’Lối Cũ Chẳng Sao Quên’’ của Bích Huyền,và ngậm ngùi cảm thương chị vô cùng. Nếu Bích Huyền không thể quên được những con đường khổ nạn đi đến Trại Tù K1, K2, K3,K4 ở rừng núi Việt bắc chập chùng, thì những ngày tháng chồng tôi đi tù là Những Ngày Tháng Không Thể Nào Quên Được.Tôi ghi lại những dòng này để nhắc nhở cho mọi người, nhất là cho các thế hệ con cháu tôi KHÔNG QUÊN những sự tàn bạo, dã man, đê tiện của bọn giặc Cộng cướp nước đã đày đọa dân tộc Việt nam vào một cuộc sống thấp hèn,khổ cực và người dân bị áp bức, bóc lột nhất trong lịch sử của dân tộc Việt nam.
Những ngày đàu tiên , chồng tôi bị giam giữ tại Long Giao, rồi chuyển đến Trại Suối Máu , Biên Hoà. Khoảng giữa năm 1976, tôi dược tin V.C đã chuyển tù ra Bắc.Mãy năm không gặp mặt chồng,nhưng tôi đã mường tượng nhìn thấy thân hình thấp nhỏ và gầy yếu của chồng tôi vì ăn uống thiếu thốn và lao dộng cực khổ.
Cuối năm 1978, tôi được thư anh cho biết đã chuyển về Trại Tù Nghệ Tĩnh số 6 (NT6)và trại cho tù được thăm gặp gia đình. V.C. không cho tù nói là thăm nuôi, vì trại đã NUÔI tù rồi, gia đình chỉ đươc thăm gặp, với một số đồ ăn tối thiểu.Tôi lấy vé xe lửa đi Vinh, lòng khấp khởi vui mừng và bồn chồn, mong sao thấy mặt chồng sau hơn 3 năm xa vắng.Ngồi chen chúc trên toa xe chật chội và dơ dáy, tôi vừa co chân lên cho thoải mái, lúc nhìn xuống thì một chiếc dép đã bị lấy mất rồi.
Xe lửa tới Vinh, tôi còn phải đi một đoạn đường dài trên 20 km trên một xe hơi cũ kỹ,chạy lắc lư trên đường đầy ổ gà và bụi cát bay mù mịt.Xe chạy lắc mạnh đến nỗi đầu tôi đụng mạnh vào trần xe đau điếng.Đên bờ sông, xe dừng lại, chúng tôi phải khiêng các bao đựng đồ ăn xuống đò ngang. Tôi thuê 3 chiếc xe đạp thồ, 2 chiếc chở mấy gói bao bị, còn tôi ngồi sau yên xe chiếc thứ ba. Đến những con dốc, tôi phải xuống xe đi bộ trên những đoạn đường gập ghềnh lồi lõm lởm chởm đá dăm nhọn sắc làm chân tôi rướm máu và đau buốt vì một chiếc dép đã bị mất.Lúc lên xe trở lại, tôi hoảng hốt vì không thấy 2 chiếc xe đạp chở đồ đâu cả,tôi lo sợ rằng họ có thể đạp xe vào những lối mòn ở hai bên đường,nế họ lấy mất đi, làm sao tôi có thể mang đồ ăn cho chồng, thật uổng công nhịn ăn, góp nhặt chắt chiu từng món ăn trong thời buổi khó khăn này.Tôi cúi đầu thầm nguyện, và, tạ ơn Thượng Đế, một lát sau, qua khỏi khu rừng, tôi thấy 2 chiếc xe ngừng ở ven đường. Chỉ còn hơn 1km nữa thì tới trại Nghệ Tĩnh 6 (NT6), tôi phải mướn hai người gánh mấy bao bị thực phẩm về trại NT6. Đến khu nhà thăm nuôi, trời đã gần tối, mấy chị em vợ tù chúng tôi được cho tạm trú ở khu nhà thăm nuôi., trong một căn nhà lá ọp ẹp, trong căn phòng nhỏ ngăn vách bằng tấm liếp nứa. Gần khu thăm nuôi, có mấy ngôi mộ mới, đất mầu đỏ quạch, nằm chơ vơ dưới nắng chiều., tôi thầm nghĩ,’’đây hẳn là mộ mấy anh tù xấu số.’’Qua một đêm gần như thức trắng vì những con rệp đói nhào ra tấn công,làm chúng tôi ngứa ngáy hầu như khắp mọi chỗ trong người. Chị bạn nằm gần tôi kể lại là có lần có chị đi thăm chồng ở một trại khác, nửa đêm có người bịt mặt, vào trong phòng, lấy các đồ thăm nuôi rồi rút êm, làm tôi mất ngủ vì lo sợ.
Sáng hôm sau tiếng kẻng báo thức vang lên, tôi thức dậy cùng các chị bạn, chuẩn bị nấu chín một ít đồ ăn, và nấu một nồi xôi , chờ đợi các anh tù . Một tên cán bộ mặt mũi nghiêm trọng bước đến tự giới thiệu và căn dặn :’’ Khi gặp các anh ấy, các chị phải động viên các anh học tập tốt ‘’nao động’’ tốt, trở thành người công dân ‘’nương thiện’’.sớm được hưởng ‘’nượng’’ khoan hồng của cách mạng. Các chị không được khóc, vì sẽ ‘’nàm’’ các anh ấy’’ nụt’’ chí, như vậy, các anh ấy còn bị phạt nữa.’’ Chúng tôi cũng dặn nhau phải can đảm,phải nén lòng, đừng để các anh ấy bị rắc rối; mấy chị em đều gật đầu, nhưng mọi người đều nước mắt lưng tròng rồi.
Chúng tôi cùng ra cửa ngóng về phiá trại, một lát sau, có một toán người tù, kẻ vác bị, người đảy xe cải tiến, lầm lũi đi về phía nhà thăm nuôi, có một tên V.C vác súng dài di áp tải. Tất cả đều ăn măc quần áo lành lặn, nhưng phần lớn đều gầy gò, nét mặt tiều tụy, ẩn nhẫn và chịu đưng.Tôi chăm chú nhìn toán người tù, nhưng không thấy chồng tôi đâu cả,; maĩ về sau, mới thấy một người gầy ốm, thấp nhỏ bước vào, bước chân lảo đảo. Tôi nhận ra chồng tôi, xưa anh uy nghi mạnh mẽ baonhiêu thì giờ đây xơ xác ,tiều tụy bấy nhiêu,;ý nghĩ đó làm lòng tôi quặn thắt; anh đội chiếc nón lá rách rưới, chỉ còn chiếc chóp nhỏ như nón người lính thú đời xưa;đôi chân mốc meo khẳng khiu lê trên đôi dép râu buộc chằng chit bằng giây thép,;nước da anh nhợt nhạt như người sốt rét kinh niên;đôi mắt lờ đờ, tròng trắng đã ngả vàng, không còn vẻ tinh anh như trước.Anh bước đi, lao đao như muốn ngã, tôi muốn chạy lại đỡ anh, nhưng tên V.C đã ngăn tôi lại.
Tên cán bộ phụ trách thăm nuôi gọi từng tên người tù và thân nhân ngồi ở hai bên một chiếc bàn lớn, và hắn ngồi chính giữa.Tôi cho chồng tôi biết tin tức gia đình,anh lắng nghe, giọng xúc động, hỏi thăm tin tức cha mẹ;anh vui mừng khi biết cha mẹ ở California vẫn bình yên và hằng cầu nguyện cho anh sớm được trở về đoàn tụ.Nhìn mắt anh hướng về phiá tên V.C với cái nhìn căm hờn, tôi sợ hãi, xin anh nhịn nhục, ‘’nín thở qua sông’’ để còn có ngày về gặp lại vợ con .
Chỉ 20 phút sau, tên cán bộ cho lệnh mở các gói quà để ‘’điểm nghiệm’’;mọi món đồ phải tháo giây buôc, đổ ra một cái thau để xem có giấu thư từ.tiền bạctrong đó không; và tôi phải để lại một số đồ ăn, mà chúng cho là quá quy định., mặc cho tôi năn nỉ hết lời. Tôi ngậm ngùi nhìn theo anh chất mấy món đồ lên xe cải tiến đẩy vào trại. Giờ đây, nước mắt tôi mới trào ra, không những tôi, mà các chị em khác cùng khóc thương những người chiến sĩ sa cơ, nay bị lũ giặc đày đọa trong cảnh ngục tù. Trên đường về, tôi gặp mấy anh tù đi làm gần cổng trại, tôi tặng hết mấy món đồ còn lại cho các anh.

Về Sài gòn, tôi đau lòng nhìn lũ con dại bơ vơ vì thiếu bố,tinh thần tôi bị suy sụp, không biết phải xoay xở cách nào để nuôi đàn con . Tôi cầu nguyện xin Thượng đế cho tôi đủ sức mạnh và lòng can đảm để vượt qua chặng đường thử thách cam go này.
Sau những ngày mệt mỏi chán chường và quẫn trí, tôi đã lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận,nên tự nhủ là sẽ hết sức phấn đãu,chịu đựng mọi hoàn cảnh thử thách,thay chồng nuôi dạy con nên người. Tôi cũng bắt chước các chị em bạn buôn bán lặt vặt ở bên hông chợ Bến Thành. Hồi đó, Công an Cộng sản được lệnh không cho ai buôn bán bất cứ một món gì trên hè phố. Tôi lấy một miếng nylon trải trên lề đường, bày ít đồ lặt vặt thường dùng và những quần áo cũ.,các chị bạn tôi thường nó
i đùa là ‘’chà đồ nhôm’’ (chôm đồ nhà) để sống qua ngày. Mỗi lần Công an VC xuất hiện và có tiếng hô: ‘’Bò vàng!Bò vàng!’’ là tôì túm bao nylon bỏ chạy, văng cả dép, tóc tai xổ tung trông chẳng giống ai! Chịu đựng nắng mưa, sớm đi tối về, cuộc sống thật là trăm ngàn nỗi đắng cay tủi nhục. Có những lúc cơn mưa rào đổ xuống thật bất ngờ, tôi ôm túi quần áo cũ, nép dưới mái hiên nhà, lòng buồn nhớ chồng trong chốn ngục tù,thương các con nhỏ dại
bỏ bê ở nhà không ai chăm sóc mà căm hờn quân giặc nước . Con gái thứ tư của tôi, cháu Duyên Thơ, có viết mấy câu lục bát làm tôi bồi hồi vô hạn:
......‘’Mẹ tôi núp dưới hiên nhà.’’
‘’Từng cơn mưa lạnh, xót xa mẹ hiền.’’

Có những buổi đi chợ về,người rã rời mệt mỏi,muốn nằm nghỉ cho rãn xương cốt,
nhưng lại nghe tiếng con gọi:’’Mẹ ơi,Công an Phường bảo chiều nay đi họp.’’
Trong căn phòng trụ sở phường,một tên cán bộ đứng nói về chính sách của cách mạng,đường lối khoan hồng của Bác , Đảng; những thính giả bất đắc dĩ, phần lớn là phụ nữ,ngồi lê lết trên sàn xi măng lồi lõm,trong bóng tối mờ mờ, người thì ngủ gật , kẻ thì ngồi ngáp dài vì đã nghe nói quá nhiều.
Cuộc sống trôi qua trong buồn thảm vì thiếu thốn, về vật chất là lẽ đương nhiên, nhưng về tinh thần, sự kiềm chế của Cộng sản làm người dân Sài gòn cảm thấy ngay từ ngày giặc vào cưỡng chiếm miền Nam là Tự do bị cưỡng đoạt .
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy tôi tự nhủ là phải cố gắng sống vì tương lai của các con, nên dù vất vả nhục nhằn đến đâu tôi cũng cố gắng chịu đựng. Tôi không còn trẻ nữa, lúc chồng tôi đi tù, tôi ở tuổi ngoài 40. Tôi không nghĩ rằng mình còn trẻ, đẹp, nhưng bạn bè đều nói tôi là một phụ nữ khả ái; điều nay được chứng tỏ là có những tên VC, có thể chúng là sĩ quanCộng Sản hay cán bộ cao cấp gì đó, thường đến sạp hàng cuả tôi ở chợ An đông, lân la, gợi chuyện, mua chuộc tình cảm, có tên sỗ sàng dám sà vào ngồi cạnh chỗ ngồi bán hàng của tôi, nhưng lần nào cũng bị tôi nghiêm sắc mặt nhưng lịch sự đuổi nó đi chỗ khác.
Những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn, một nắng hai sương, tôi hết sức dành dụm,dè sẻn,mua được món gì ngon là tôi để riêng ra cho lần đi thăm tới. Có lần tôi nhân được một lá thư nhỏ bằng bàn tay có viết 4 câu thơ:

’’Đã mấy năm nay quằn quại đói,’’
‘’Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo.’’
‘’Mẹ ơi!Con nhớ thời thơ dại,’’
‘’Những món ăn mà mẹ chắt chiu...(thơ Tô Thùy Yên)
Dưới bài thơ, có chữ ký tắt: G. N.Y.D Tôi bồi hồi đọc baì thơ chỉ có 4 câu và biết chắc đó là chồng tôi nhắn tôi ra thăm, vì bốn chữ G.N.Y.D là viết tắt của Gọi Người Yêu Dấu là một bài hát chồng tôi viết trước năm 1975. Tôi lập tức cho cháu Quỳnh Giao ra Nghệ Tĩnh thăm bố. Cháu Quỳnh Giao được bố cho biết rằng bốn câu thơ trên là của Tô Thùy Yên do bố cháu chép lại, đề địa chỉ người nhận, rồi khi đi lao động, bố cháu bỏ ở bên đường. Đồng bào nhặt được biết là của tù, liền mua tem, gửi về cho gia đình. Cháu Quỳnh Giao có viết mấy dòng ghi lại buổi gặp mặt của hai bố connhư sau :
.’’.Ngày 17-10-1979.. ..Thế là ta đã gặp bố.rồi. Trông thấy bố, ta chạy lại ôm choàng lấy bố,khóc nức nở.Bố vuốt tóc ta :’’Nín đi, con gái yêu qúy của bố. Lớn rồi còn khóc người ta cười cho!Sau hơn 4 năm ngục tù,bố đã già đi và gầy ốm quá!.Những sợi tóc đã bắt đàu lốm đốm bạc,nhưng mắt bố vẫn sáng ngời sau cặp kính long lanh.Bố tháo kính cầm tay, rồi lại đeo kính vào ‘’:Để bố nhìn con gái bố rõ hơn. Xem nào! Con đã 22 tuổi rồi mà vẫn xinh xắn dễ thương như ngày nào’’.Thấy bố nói vậy, ta thương bố không cầm được nước mắt.Bố nắm tay ta, kể vài câu chuyện vui để làm ta bật cười mà nước mắt vẫn tuôn rơi lã chã.Bố có vẻ vui mừng khi nghe ta nói chuyến này mẹ gửi cho bố các món ăn bố ưa thích. Giờ phút gần bố thật ngắn ngủi. Khi chia tay rồi, ta ngậm ngùi nhìn theo bố cong lưng kéo chiếc xe cải tiến chất đầy quà, hình như bố có vẻ hí hởn lắm!Khi bố ngoảnh lại ở chỗ rẽ, bố có nhìn thấy con gái bố tựa cửa nhìn theo, trên mặt đầm đìa nước mắt không?
Ta còn nán lại nhà thăm nuôi hai ngày, và đứng ngóng đoàn tù đi lao động xem có thấy bố một lần nữa không, nhưng chẳng thấy..Hẳn là các chú các bác tù cũng ngạc nhiên thấy một cô bé mắt đỏ hoe, đứng ngóng đoàn tù như muốn tìm kiếm ai... .......’’

Tôi tình cờ đọc mấy giòng chữ của con mà thương chồng, thương con vô hạn....
Hòi đó, phong trào vượt biên làm xôn xao Sài gòn. Tôi suy nghĩ về tương lai các con. Phải đi tìm đường song cho các con vì nếu ở lại thì sợ có ngày con trai tôi đến tuổi phải di nghĩa vụ rồi sẽ phải làm bia đỡ đạn cho giặc Cộng ở Cam pu Chia thì khi gặp lại chồng tôi, tôi biết ăn nói làm sao? Vả lại, viễn ảnh kinh hoàng khi con một Sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng Hoà phải đội mũ cối, đi dép râu, mang khẩu AK trên vai cũng làm tôi rùng minh khi nghĩ tới điều sỉ nhục ấy. Cho nên, tôi đã bán tất cả nữ trangvà các đồ vàng bạc,đá qúy, đã dành dụm được cho các con vượt biên.Tôi cũng rất e sợ khi nghĩ tới sóng biển, hải tặc, nhưng xin phó thác các con tôi vào tay Chúa, với niềm tin các con tôi sẽ tới được bến bờ tự do. Lần thú nhất, con gái thứ tư, Giao Duyên, tới Malaysia bình yên, được ông bà nội bảo lãnh về P
asadena, California. Lần sau, ba đứa lớn, Quỳnh ,Giao ,Dũng bị bắt giam mấy tháng, riêng Dũng bị giam hơn 2 năm. Trong thời gian ấy, tôi phải chuẩn bị nhiều bao bị khác nhau để đi thăm chồng và ba con . Tôi như lên cơn sốt vượt biên, có chút tiền để dành nào cũng gom góp cho con đi tìm tự do; sau hàng chục lần thất bại, nhưng không nản lòng, Rút cục, Dũng cũng đã ra tù, vượt biên qua ngả đường bộ đến Thái lan và tới Mỹ năm 1983, riêng vợ chồng Quỳnh Giao và Dũng Tuấn, con trai út mãi tháng 9-88 mới đến Mỹ, đúng vào thời gian chồng tôi được trả tự do!

Khoảng giữa năm 1986, ở trại tù Xuân Phước một anh tù trẻ đưởc tha về , đưa cho tôi một ca khúc chồng tôi viết tựa đề là’’Đóa Hồng Cho Vợ Hiền.’’ Anh tù trẻ kể lại rằng: ‘’ Em nói với anh N. là nếu anh ký tên thật thì VC không cho mang về đâu.Sau anh phải viết là: nhạc của Liên Xô nên đã mang về được!’’ Các con tôi đàn và hát bài này, tôi rất cảm động khi nghe bài hát anh gửi cho tôi. Phần mở đầu,anh viết về một gia đình sống êm đềm ở một thành phố thơ mộng kia, bỗng đâu một ngày trời làm biển dâu, giặc tràn vào, gia đình tan tác chia lià,nhưng hãy tin rằng muà đông băng giá rồi sẽ qua đi, đêm tối sẽ tan dần, ngày vui sẽ tới, sẽ không còn nước mắt, không còn ly tan.
Anh kết luận :
Xin cho tôi hôn mái tóc điểm sương
Xin cho tôi hôn vầng trán ưu phiền.
Xin cho tôi hôn đôi mắt héo hon
Năm tháng mỏi mòn, chờ người xa vắng.
Cho tôi nâng niu bàn tay chai sần
Thay chồng nuôi con một đời vất vả,
Cho tôi dâng em một đoá hoa hồng,
Đóa hoa tuyệt vời trong đáy lòng tôi...
Tôi nghe bài hát mà lòng xúc động vô cùng vì tôi biết rằng trong tận cùng khổ đau,tâm hồn chồng tôi vẫn lãng mạn, và như nhà văn Duyên Anh đã nói, một thứ ‘’lãng mạn ngục tù’’, nhờ đó anh vẫn làm thơ, viết ca khúc để nguôi vơi những nỗi khổ đau trong tháng ngày tù ngục. Và tôi tự hào về chồng tôi, cũng như bao anh em cựu sĩ quan,cựu chiến sĩ dù sống hơn 10 năm trong ngục tù Cộng sản, nhưng vẫn vững tin vào chính nghiã tự dovà tương lai dân tộc.
Đầu năm 1988, nhân dịp Tết Mậu Thìn, Sài gòn xôn xao về tin : sẽ có rất nhiều người được thả về, sẽ đi xe lửa về ga Hoà Hưng Sài gòn. Lòng chứa chan hy vọng, tôi đi cùng cháu Duyên Thơ ra ga chờ đòan tàu về. Qủa là có khá nhiều người tù vui mừng bước xuống sân ga được thân nhân tiếp đónmừng rỡ. Chờ đợi mãi cho đến khi người tù cuối cùng rời khỏi sân ga, mà không thấy anh, mẹ con tôi mới quay về, cháu Duyên Thơ ôm tôi khóc nức nở, còn tôi thì không khóc nhưng lòng tôi tan nát, không biết có chuyện gì không may đã xẩy ra cho anh và tại sao Tết này anh vẫn chưa được về? Đêm ấy trước khi ngủ, tôi cầu nguyên Chúa với một trái tim tan vỡ vì tuyệt vọng, và tôi xin Chúa cho tôi can đảm và nghị lực chờ ngày anh về. Chừng 1/2 tháng sau, tôi được thư anh nói là bị đau nặng, tôi vội gửi gấp thuốc men và thực phẩm cho anh.
Cho đến dầu tháng 9/1988, anh mới được trả tự do, một mình một danh sách; anh là người tù cải tạo cuối cùng được trở về từ trại Xuân Phước sau 13 năm, 2 tháng, 16 ngày tù ngục. Rốt cục, sau nhiều ngày tháng chờ đợi và làm thủ tục xuất ngoại, gia đình chúng tôi đã tới phi trường San Francisco ngày 1 tháng 11-1990, theo chương trình HO-04.Đến nay chúng tôi đã định cư ở California được hơn 12 năm.
Gia đình chúng tôi được xum họp gần như toàn vẹn, chỉ còn gia đình con gái Duyên Thơ đang xin visa, hy vọng sẽ qua Mỹ trong năm tới. Tôi muốn nói lên lòng biết ơn Thượng Đế đã phù hộ,gìn giữ che chở gia đình chúng tôi trong những ngày tháng khốn cùng, với những cơn sóng gió bão bùng kinh hãi nhất của đời người. Chúng tôi cũng biết ơn Chính phủ Mỹ và dân tộc Mỹ đã mở rộng vòng tay cho chúng tôi được nhập tịch và sống tại vùng đất trù phú này.Dù ở một nơi tương đối thanh bình trong một đất nước giầu mạnh, nhưng lòng chúng tôi luôn hướng về quê hương khổ đau và cầu nguyện cho quê hương và đồng bào sớm được giải thoát khỏi tay bọn giặc Cộng bạo tàn và được sống trong tự do, thanh bình và no ấm.

Người viết : Dương Thị Năng

Saturday, April 18, 2009

Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng


M�a Xu�n Thung Lũng Hoa V�ng - Vũ Đức Nghiêm

ĐÊM LONG GIAO


Đêm về nghe ếch nhái à uôm,
Đây chẳng hồ ao, chẳng có chuôm
Nghe gió chập chùng, nằm thấp thỏm
Tránh mưa hun hút dậy lồm cồm.
Vo ve bay kiếm ăn, đàn muỗi,
Ăng ẳng sủa trăng lũ chó xồm.
Thao thức canh trường,bèn thức dậy,
Pha trà,nấu nước trong ca nhôm.


Vũ Đức Nghiêm


(Hoạ nguyên vận:)


Ở đây đừng có nói à uôm,
Thân ếch đành ngồi ở xó chuôm.
Thương vợ nhớ con mà bứt rứt
Nghe tin trả bạt,vội lồm cồm.
Từng mong mà nước càng thêm hiếm,
Đâu muốn, sao râu vẫn cứ xồm.
Ngẫm kỹ, chúng mình phong vận chán
Nồi đồng chẳng có,có nồi nhôm.


Hà Thượng Nhân

Saturday, April 11, 2009

Gọi Người Yêu Dấu


Track 2 - Vũ Đức Nghiêm

Đêm Tù Việt Bắc


Đêm sâu thăm thẳm tối như mồ,
Trằn trọc trên sàn nứa mấp mô,
Phổi yếu đêm nằm ho xụ xụ,
Thận suy sáng dậy đái tồ tồ.
No lòng vì uống vài gô nước.
Đói bụngthèm ăn mấy hạt ngô.
Thao thức năm canh chờ đợi sáng,
Có vì sao lạnh chiếu trên hồ.

Đêm Hoàng Liên Sơn,1978


Vũ Đức Nghiêm

Thơ Viết Trong Tù - Tự Trào


Tuổi trời cho ta năm mươi mốt,
Đau đớn thay, 5 năm bị nhốt,
Sáng sáng đảy xe, dăm chục xe,
Chiều chiều ngô hột, vài trăm hột.
Thi đua lao động chẳng cần hay.
Học tập tăng gia không mấy tốt.
Tho thẩn lăng nhăng, ngày lại ngày.
Lòng son sắt trước sau như một.

Ta sinh ra, biếng lười ngu dốt,
Hút thuốc lơ mơ ngồi dựa cột.
Mặc kẻ lên voi ưa nói ngông.
Thương mình xuống chó không thưa thốt.
Gặp thời, ừ nhỉ chúng khôn ngoan,
Lỡ vận, đành thôi ta dại dột.
Say cuộc cờ, nghĩ mình pháo xe,
Than ôi, ta chỉ là con chốt!

Chốt đã qua sông, bèn thí chốt.
Ba năm kiếm củi, một giờ đốt.
Thảm thương thay, chiến sĩ mang cùm.
Ngao ngán nhẽ, cáo cầy đội lốt.
Sông cạn khát khao vài trận mưa
Núi cao rung chuyển từng cơn sốt
Mơ ngày phục quốc cứu quê hương,
Thù giặc Cộng minh tâm khắc cốt.


Trại Tù Nghệ Tĩnh 6(NT6),1980


Vũ Đức Nghiêm

Như Một Thoáng Phù Du


Track 8 - Vũ Đức Nghiêm

Friday, February 27, 2009

CHÍN CHỮ CÙ LAO


·Hơn nửa thế kỷ trước, tôi học Bài học thuộc lòng có những câu :
·
· ‘’Cha sinh,mẹ dưỡng,
· Chữ cùlao lấy lượng nào đong.
· Thờ cha kính mẹ hết lòng,
· Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường....’’
· Ngày nay,.khi đọc những câu trên, sợ rằng có người
· không hiểu rõ nghiã chữ ‘’cù lao’’,nên xin có đôi lời bày tỏ:
·
·
Theo Từ Điển HánViệt Từ Nguyên của Bửu Kế,(Nhà Xuất bản Thuận Hoá,1999,) hai chữ ‘’cù lao’’ dược định nghiã như sau:
· Cù Lao: (trang 291) Cù : Siêng năng,nhọc nhằn. Lao:Khó nhọc
· Cha Mẹ siêng năng khó nhoc để nuôi dưỡng con cái.
·
Kinh Thi có câu :’’ Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã,trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, phúc ngã. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực’’.(tạm dịch : Thương thương cha mẹ, sinh ta khó nhọc. Cha sinh ra ta(sinh ngã) mẹ nâng đỡ ta (cúc ngã), vuốt ve ta(phủ ngã), cho ta bú (xúc ngã) , nuôi ta lớn lên (trưởng ngã),dạy dỗ ta (dục ngã), đoái tưởng đến ta (cố ngã),săn sóc dạy dỗ ta (phục ngã), che chở ta (phúc ngã). Muốn báo ơn sâu như trời cao lồng lộng, sâu thẳm vô cùng.(Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực)
·
Mỗi khi đọc những câu trên, người viết bài này thường rất xúc động, nghẹn ngào nước mắt trào ra không sao ngăn nổi. Bản tính dễ xúc động, đa cảm ấy, hiển nhiên tôi đã thừa hưởng từ cha tôi và ông nội tôi. Cha tôi thường kể lại chuyện ông bà nội rất hiếu thảo đói với cụ tằng nội tổ , Cụ Vũ Đức Khiêm ,Tri Phủ Thông Hóa Bắc Ninh hồi cuối thế kỷ 19.Trước khi cụ Phủ qua đời, cụ có trối lại: ‘’Min (tiếng cổ có nghiã là:ta ) biết ông bà Hàn rồi, là người có hiếu hết lòng thờ cha kính mẹ. ‘’ Ông Nội là tín đồ Tin Lành gương mẫu, mỗi lẫn Ông Nội cầu nguyện, ông mặc áo dài, đội khăn chỉnh tề ;khi nhắc tới Cha Mẹ, ( Hai Cụ Phủ), Ông thường khóc, hai môi ông mím lại, cố đè nén cảm xúc .Hình ảnh một cụ già 70 tuổi khóc nhớ cha mẹ, trước mắt tôi,chú bé lên 10 tuổi, còn ghi sâu mãi trong tâm khảm tôi.
·
Cách đây chừng hơn 50 năm, trong cuộc chiến Việt- Pháp, cha tôi từ Hà nội tản cư về quê nhà, làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.Thời gian này, Cha tôi có dịp được ở gần Ông bà nội, và người đã hầu hạ, phụng dưỡng ông bà nội hết lòng.Hằng ngày, mỗi sáng tối, Cha đến nhà ông bà nội thăm nom,săn sóc ân cần, đúng theo tinh thần ‘’hôn định thần tỉnh’’ của người xưa.( Theo Hán Việt Từ điển Giản Yếu của Đào Duy Anh, Trường Thi xuất bản, 1957, Trang 389, Hôn Định Thần Tỉnh có nghĩa là: Buổi chiều ( hôn) phải hầu cha mẹ,xem cha mẹ có ngủ yên (định) không, buổi sáng mai (thần )phải thăm xem cha mẹ có được yên giấc không, và đã thức dậy(tỉnh) chưa? Điều này ta thường gọi là đạo thần hôn, con cái phải luôn thăm viếng cha mẹ mỗi ngày ít ra là hai lần. Nhưng ở thời đại này, có mấy người con biết rõ điều để đối xử với cha mẹ như người xưa?) .Mỗi bữa ăn sáng chiều, mẹ tôi dọn cơm đặt vào mâm, cha tôi đi cùng người giúp việc mang sang nhà ông bà nội, ở cách xa chừng 300mét, và người đứng quạt hầu ông bà nội ,khi ông bà nội dùng cơm. Cha tôi làm việc này suốt mấy năm cho đến khi ông bà nội qua đời hồi đầu thập niên 50. Những năm sau đó,khi di cư vào Nam ,cha tôi vẫn giữ quan niệm ‘’sự tử như sự sinh,’’(thờ cha mẹ khi chết cũng như khi sống. ) Trước mỗi bữa ăn, người thường đứng trước hình ông bà nội và nói:’’ Mời cha mẹ xơi cơm ạ.’’Hồi ấy, tôi thật là vô lễ khi cho rằng cha tôi lẩm cẩm, nhung bây giờ tôi thấy Cha tôi có lý của người, và người đã dạy cho chúng tôi một bài học về lòng tưởng nhớ cha mẹ . Hình ảnh cảm động nhất là Cha tôi thường đứng trước hình ông bà nội, mắt đẫm lệ, miệng hát nho nhỏ:
· ‘’Cha Mẹ ơi, con biết lấy chi đền bồi,
· Ơn sâu hơn biển, cao hơn trời? ‘’
·
Cho đến nay, ở tuổi ngoài 70 , tôi chưa thấy một người nào hiếu thảo gương mẫu như cha tôi.và khi viết những dòng này, nước mắt tôi trào ra không ngăn nổi. Tôi hối hận vì những ngày cha mẹ tôi còn sống, tôi đã bao lần làm cho cha mẹ tôi phiền lòng vì đã bất hiếu, nhiều lần cãi lại cha mẹ, hoặc làm trái ý cha mẹ .
·
Cha mẹ tôi khi sinh thời thường nói: ‘’Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy’’,và đây là một kinh nghiệm qúy báu,mà chúng ta nên áp dụng và dạy dỗ cho các thế hệ con cháu sau này.
·
‘’Tháng 4-1975, tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng, anh Cả tôi may mắn được di tản kịp trước khi giặc Cộng vào Saigòn. Anh chị tôi đem cha mẹ tôi đi cùng. Suốt gần 10 năm Cha tôi bị tê liệt nửa mình, từ 1982 đến 1990, cha qua đời, anh cả là người giúp mẹ hầu hạ cha tích cực nhất ,sốt sắng nhất, với sự tham dự của các em Lâm Thiện Ngôn(em rể) và Vũ Trung Hiền. Khi hầu hạ cha, tất cả những công viêc từ nặng đến nhẹ, từ sạch sẽ tới dơ bẩn, anh cả giành làm hết, không nề hà, không phàn nàn,và mặc dù gặp những tị hiềm, những hiểu lầm, anh Cả chịu đựng hết. Có thể nói là ở thời đại chúng ta đang sống, rất ít người đã hầu hạ Cha Mẹ như anh Cả tôi đã làm.
·
Một điều nữa đáng ghi nhận là những năm trước khi cha qua đời,các em Vũ Trung Hiền và em rể Lâm thiện Ngôn cùng cháu Vũ Trung Hoà đã phụ giúp anh Cả, hết lòng hầu hạ Cha và ông nội,không nề hà dơ bẩn, chăm nom, săn sóc vệ sinh, tắm rửa hằng ngày.
· .
Tôi viết ra những điều này, không chỉ có mục đích ca ngợi anh Cả và các em ,mà còn muốn ghi lại những việc tốt lành đã được thực hiện theo truyền thống hiếu hạnh của đại gia đình họ Vũ.
·
Sau khi viết phần đầu của bài Chín Chữ Cù Lao, người viết nhận được thư của chú em thứ sáu, Vũ Ngọc Bích, xin trích ghi thêm vào bài này để lưu làm tài liệu:

Ngày 26-7-2002.
·
Thưa anh chị thân mến, Em có đọc bản thảo bài Chín Chữ Cù Lao của anh trên Internet, rất cảm động. Em xin gửi anh một vài chi tiết như sau:Trước ngày 30-4-1975, đại gia đình ta chỉ có 2 gia đình duy nhất được rời Sài-gòn bằng cầu không vận Hoa kỳ.Gia đình anh chi Cả có cha mẹ già cùng đi và gia đình em. Cuối 1975, em đưa gia đình rời Virginia qua California và ở gần cha me tại North Hollywood. Anh chị Cả ở Pasadena cách chỗ cha mẹ ở chừng 26 miles.Trong 7 năm sống gần cha mẹ tại đây,chúng em cảm thấy được an ủi khi xa quê hương.Chúng em cố gắnglàm mọi việc tốt đẹp để cha mẹ được vui lòng.Tuy không hầu hạ cha mẹ mỗi ngày như cha mẹ đã phụng dưỡng ông bà nội ngày xưa, nhung mỗi khi vợ em nấu món ăn ngon cũng nhớ tới cha mẹ già và em đích thân mang tới biếu cha mẹ. 18 tháng sau khi tới Mỹ, em mua căn nhà dâu tiên,gần nhà cha mẹ, và đó là thời kỳ vui nhất, ông nội thường hay đi bộ qua nhà em,nhắc nhở các cháu học bài,và dạy các cháu hát thánh ca, cầu nguyện. Mỗi sáng chúa nhật, chúng em thường đón cha mẹ đi nhà thờ và đi siêu thị mua thức ăn.Cha mẹ thuê một căn phòng ở tầng 2 nên đi lên xuống cầu thang cũng bất tiện.
·
Có lần đi chợ, cha thấy gạo lứt bán sale, cha mua liền 10 bao. Em khuân ra xe và sau đó hì hục khuân lên gác chất vào góc bếp cũng khá mỏi vai. Vài năm sau, sức khoẻ cha mẹ giảm dần, nên em phải đưa đi nhà thương gặp bác sĩ thường xuyên. Thời gian này, em đi làm ban ngày,vợ em đi làm ca tối, nên có thể săn sóc cha mẹ rất chu đáo.Khi đi thăm bác sĩ, vợ em thận trọng dìu cha mẹ vào thang máy để đến phòng mạch.Bác si hỏi ông nội:’’Có phải đây là con gái cụ không?’’ Cha hãnh diện trả lời:’’ Không, đây là con dâu tôi!’’Bác sĩ và cô y tá trố mắt ngạc nhiên,thán phục văn hoá Việt nam,vì ở Mỹ, con dâu thường ít quan tâm đến cha mẹ chồng.Vợ em có kể lại rằng,lúc đó cha mẹ cười vui rạng rỡ,và tự hào vì con dâu hiếu thảo , thương yêu săn sóc cha mẹ. Sau đó, vợ em có thưa cha mẹ rằng:Con mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi, nay cha con cũng đã qua đời , nên con coi cha mẹ cũng như cha mẹ ruột của con vậy.Nói xong vợ em lau nước mắt, và trên má mẹ già lấp lánh những giọt lệ.Có một điều em rất hãnh diện là suốt hơn 30 năm làm dâu nhà họ Vũ mà chưa bao cha mẹ nặng lời với vợ em.
·
Một năm trước ngày cha bị tai biến mạch máu não,vợ chồng em đến thăm cha mẹ trên căn gác đường Dundas Drive, North Hollywood, cha có bảo em giúp cho bà cụ Bào một phòng ở cùng nhà em. Em thưa với cha là chúng em có 2 vợ chồng với 4 con , e chật chội. Vừa nghe em trả lời, cha nổi nóng đuổi theo em;mẹ đứng giữa ngăn lại,em chạy nhưng vừa tới cầu thang,em đứng khựng lại ngay ,vì sợ bước thêm cha đuổi theo sẽ bị ngã. Lúc đó dường như cơn giận của cha đã hạ,cha chỉ ‘’phát nhẹ 2 cái trên vai em,và nói là con phải giúp người già nua, goá bụa chứ!Em không cảm thấy đau., nhưng em nhớ lại khi em khoảng 10 tuổi, mỗi sáng lúc 6giờ 30, cha thường đánh thức mấy anh em mình dậy sớm tập thể dục,; có lần em ngủ nướng,bị cha phát 2 cái vào mông thật đau, và bây giờ bị 2 phát vào vai,em không thấy đau gì cả.Em nhớ câu chuyện ‘’Nhị Thập Tứ Hiếu’’ cha thườngkể cho anh em mình nghe,. Trên đường lái xe về nhà, em chỉ yên lặng,mắt ứa lệ,khi nghĩ đến cha dã già,sức khỏe đã cạn kiệt,nên đánh mình không thấy đau nữa.Vợ em gạn hỏi’’ sao hôm nay anh buồn’’, em chỉ trả lời là ‘’khi nghĩ tới cha mẹ sẽ ra đi về cõi vĩnh hằng nên anh buồn’’....(Trích thư Vũ Ngọc Bích).
·
Tôi ghi lại những cảm nghĩ và sự việc trên, với niềm mong ước là khi các con cháu tôi đọc những dòng chữ này thì có những suy nghĩ ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày.Đó là điều tâm nguyện của tôi trong những năm tháng cuối đời tôi.
·
San Jose, tháng 10-2002
·
· Vũ Đức Nghiêm

THƠ TÙ


Mừng Thọ Hà Thượng Nhân

Chúc thọ Hà Quân sáu chục tuổi.
Đường xa gánh nặng vai chưa mỏi.
Công danh phú quý lòng không tham,
Tù ngục bần hàn chí chẳng đổi.
Ngọn bút vẫy vùng sóng hận dâng ,
Lời thơ sang sảng,lửa thù nổi.
Chim hồng tạm nghỉ cánh bay cao,
Vẫn vững niềm tin ngày quật khởi.

Hàm Tân, Tết 1982

CẢM ĐỀ
Đã mấy trăng hao gầy ngóng trông,
Mưa khuya trăn trở, sương mênh mông.
Suy tư dằn vặt, nhầu chăn gối,
Su nghiệp tan tành, thẹn núi sông.
Tủi với tiền nhân ca chính khí,
Ngượng cùng hậu thế luận anh hùng
Tuổi tri thiên mệnh tàn cơ nghiệp,
Lại bắt đàu đi từ số không.

Trại Tù Long Giao, tháng 9-1975

(Họa nguyên vận của Hà Thượng Nhân)
Bao la trời đất phương nào trông,
Áo mỏng chiều hôm đứng ngó mông.
Thêm nhớ phải đâu vì cách núi,
Chưa về chẳng bởi tại ngăn sông.
Ngẩng đàu trước mặt đà ngơ ngác.
Cất bước sau lưng luống hãi hùng.
Sự nghiệp xem như là chẳng có,
Lòng thành một chút có còn không?

Vũ Đức Nghiêm

Wednesday, February 25, 2009

Quê nhà, 50 năm trở lại - Ký của Vũ Đức Hoành Nha


Thế là tôi đã trở về quê nhà , làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam định, sau nhiều năm dài trăn trở, trong nỗi niềm hoài hương canh cánh bên lòng. Tôi đã quyết định về thăm quê tôi, thăm mồ mả tổ tiên một lần,thăm lại anh em họ hàng một lần trước khi quá muộn.

Máy bay đáp xuống sân bay Nội bài, tôi chống gậy đi theo con gái và con trai út rời phi trường, lấy taxi về Hànội. Xe chạy chừng 1/2 giờ vào tới trung tâm thành phố. Chúng tôi lấy phòng ở khách sạn Youth, đường Lương văn Can, cách xa Hồ Hoàn Kiếm chừng 300m. Sau khi nhận phòng,mấy bố con đi bộ ra Hồ ,xem lại nơi xưa. Càu Thê Húc còn đây, Tháp Rùa xưa vẫn đó, nhưng tâm trạng của người trở về nơi in dấu chân của mình 50 năm trước thật là bồi hồi và bâng khuâng vô cùng.

Cuôc hội ngộ với ông anh họ và chị dâu và các cháu thật là cảm động. Tôi rưng rưng cầm tay anh tôi, xưa là một thanh niên đẹp trai, cường tráng, nay đã thành cụ già gần 80, đầu râu tóc bạc. Anh em tâm tình, gợi lại những kỷ niệm xưa, kẻ còn người mất.Những ngày sau đó, tôi cùng các con và chú Châu, em ruột tôi còn ở lại Việt nam hướng dẫn đi thăm Vịnh Hạ Long. Phong cảnh Hạ long,đẹp nên thơ, tôi chợt nhớ lại, nơi này, hơn 60 năm trước, cha mẹ tôi đi thuyền ra thăm Vịnh, lúc về, bị gió bão nổi lên suýt nữa đắm thuyền.

Trở về Hànội, tôi có dịp các bạn đồng môn Chu văn An (lớp Đệ Nhị C,năm 1950-51) tại một quán thịt chó ở phố Hàng Lược. Khoảng gần 20 anh chị đến gặp tôi, nhắc nhở kỷ niệm xưa,trong đó có Trần phi Hiển, nay là bác sĩ, và các bạn Nguyễn Tô, Nguyễn bội Tài và vợ là Trần Tuệ Khanh,em gái Trần Phi Hiển, Kiều Duy Vĩnh, Trịnh văn Tú,Phạm Xỹ Bích, va một số bạn khác không nhớ hết tên.Ròi ngày đợi mong cũng đã đến. Sáng thứ bẩy ngày 9 tháng ba, chúng tôi thuê bao taxi một ngày đi về làng, qua thành phố Nam định, giá tiền khoảng 60 USD. Tài xế taxi đúng 6giò 30 đến đón ở khách sạn. Sau khi ăn phở gà , chúng tôi khởi hành. Xe chạy bon bon trên Quốc lộ 1. Tới Nam định khoảng 9 giờ sáng, tôi nhờ tài xế chạy một vòng xem lại phố xá với hy vọng tìm lại ít dấu vết ngàyxưa.

Tôi bồi hồi nhìn lại Chợ Rồng, bến Ô tô Nam định, Trường Cửa Bắc, (tên cũ là Jules Ferry), nơi 60 năm trước tôi còn là chú bé Tiểu học. Tất cả đều đã đổi thay không còn nhìn ra . Tôi ghé vào Nhà Thờ Tin Lành Nam định, nơi 58 năm xưa tôi gặp cô bé học sinh lớp Nhất, là fiancée của tôi ,để mà mường tượng tới những hình ảnh thân yêu ngày còn thơ ấu.Nhưng rất tiếc,cảnh đổi thay trước mắt đã làm nhạt nhòa tất cả khiến cho lòng cảm thấy buồn man mác.

Xe chạy qua đường Paul Bert(tên cũ), đến góc đường Carreau, tôi nhớ lại nơi đây, hơn 50 năm trước, những chàng trai bỡ ngỡ trên đườngvàoTrường Sĩ Quan Trừ bị Nam Định.trong trại Carreau. Xe chạy băng qua cầu Đò Quan, nơi xưa là bến phà Đò Quan, trên đường qua Cổ Lễ, rồi đến cầu Lạc Quần, nghe nói là của một ông vua bên châu Âu tặng tiền xây cầu thay thế phà Lạc Quần. Ngày xưa xe cộ qua đây đều phải qua bằng phà, có người hát xẩm mù lòa, kéo nhị hát rong kiếm sống nhờ lòng từ thiện của khách qua sông. Qua cầu Lạc Quần, xe chạy dọc ven đê sông Ninh Cơ, hướng về dốc Bùi Chu, ngừng lại bên cầu làng Xuân Bảng, quê ngoại tôi. Tôi đứng lặng bên cầu, bồi hồi nhớ Mẹ .

Hơn 60 năm rồi, hình ảnh dịu dàng của mẹ tôi, mỗi vài tháng về thăm quê ngoại một đôi lần, thăm hai anh em, em Chỉnh và tôi,hồi đó trọ học ở nhà ông bà ngoại; mỗi lần tiễn mẹ về quê nội Hoành Nha, cách xa chừng 6,7 km khi chia tay ở bên cầu, hai anh em cùng khóc vì nhớ Mẹ, nhưng cùng giấu nhau là mình khóc nhớ mẹ. Mẹ yêu qúy của chúng con! Nay Mẹ đã vĩnh viễn xa rời chúng con, nhưng hình ảnh Mẹ hiền yêu dấu chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng chúng con!

Đã đến ranh giới huyện Giao Thủy, bên đường có một tấm bảng lớn với dòng chữ: Huyện Giao Thủy welcomes to You (!) và gần đãy là trạm bán nhiên liệu với bảng ghi : Trạm bán Xăng Dầu Hoành Nha. Đã đến đầu làng tôi rồi! Xe taxi rẽ tay phải, ngừng tại địa điểm quy lăng, nơi các ngôi mộ của các dòng họ lớn trong làng được cải táng và xây đắp theo hàng lối rất quy củ và trật tự. Tôi ngồi lặng lẽ bên ngôi mộ ông bà nội, nước mắt muốn trào ra, nhưng kìm lại được. Ông Bà Nội kính mến của con, thế là hơn 50 đã qua kể từ ngày ông bà nội qua đời, nay thằng cháu lãng tử hư đốn của ông bà nay mới có dịp đến thăm mộ ông bà nội.Kỷ niệm cuối cùng con nhìn thấy ông nội là một ngày đầu năm 1949, sau khi ăn tết Kỷ Sửu, con theo anh Cả con lên Hà Đông, nơi anh con làm thẩm phán để theo học lớp Đệ Tứ, ông nội tiễn chân hai anh em con ra tới Quán Giữa..

Từ Bến May ngoảnh lại, con nhìn thấy ông nội khoác chiếc áo lông cừu mầu đen, một tay cầm gậy, một tay vẫy hai đứa cháu. Còn nhớ khoảng những năm 1936-37, ông bà nội lên Thái Bình thăm bố con. Xe ông bà vừa tới trước nhà số 25, đường Miribel, con đã chạy ra, ôm hôn ông bà tới tấp. Ngày nay, mỗi lần mấy đứa cháu nội, ngoại của con ôm hôn con, con thấy cha mẹ chúng nó cũng hài lòng như bố con đã hài lòng khi thấy con ôm hôn ông bà nội khi xưa. Từ biệt mộ ông bà nội, tôi ghé lại thăm mộ bác Lục, cụVũ đức Phúc,là anh ruột bố tôi , mộ mấy ông bà chú bác và mấy anh họ , cùng dòng Vũ Đức. Phần lớn các anh em họ tôi đều qua đời khá trẻ, ở tuổi 50,60 là cùng. Sau đó, là chương trình đi thăm mấy người bà con trong đại gia tộc. Tất cả đều tỏ vẻ vui mừng gặp lại người đi xa về.

Tôi tìm về khu nhà của cha mẹ ngày xưa, nay đã bị chia cho các bần cố nông sau vụ Cải cách ruộng đất 1956 và đứng lặng trước một di tích cuối cùng : tôi ngậm ngùi nhìn bể nước xây xi măng ở trước phòng cha mẹ tôi, chính ở phòng này, mẹ đã sinh em trai út, và cũng là nơi em gái tôi, Vũ thị Ngọc Lan thở hơi cuối cùng trên tay mẹ.Tôi còn mường tượng thấy tiếng gào khóc của Mẹ khi mất em Lan, tiếng khóc của mẹ day dứt, xoáy mạnh vào tim tôi dù đã hơn nửa thế kỷ qua rồi. Tôi lặng nhìn căn phòng này, nơi duy nhất không bị tàn phá, hiện có người ở; rất tiếc, người ấy đi vắng, nên tôi không xin phép vào thăm được. Căn phòng này dường như đã lâu lắm không được quét vôi nên trông xuống cấp thảm hại. Sau đó em Châu hướng dẫn đi thăm một bà chị họ , khi được giới thiệu, chị đứng lặng người rồi ôm choàng tôi, miệng nói: ‘’Em tôi!’’ Tôi cũng gặp một vài thanh niên, con của các anh họ tôi, chúng có vẻ ngơ ngác khi nói chuyện với tôi. Tâm trạng tôi bồi hồi như một nhà thơ Đưòng đã viết:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao thôi,
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn : khách tòng hà xứ lai ?
(tạm dịch:)
Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
Tóc râu bạc, giọng quê không đổi.
Trẻ thơ gặp ta, chẳng từng quen
Cười hỏi: khách từ phương nào tới?

Trên đường về, tôi mang tâm trạng nửa vui, nửa buồn, vì đã hoàn thành nguyện ước thăm lại quê nhà, trước khi quá muộn. Có một nhà văn Pháp đã viết: ‘’ Tous les changements, même les plus souhaités,ont leur mélancholie.’’ (tạm dịch: Mọi sự đổi thay, dù là những điều ta mong muốn nhất đều có những nỗi u buồn. )

Quê tôi đã có nhiều thay đổi,nhưng khi trở về, tôi mong được nhìn lại con đường xưa, quanh co, nhỏ hẹp, và khi trời mưa, thì rất lầy lội; tôi muốn được nhìn thấy ngôi đình làng, nơi tôi học đánh vần abc,tôi mơ được nhìn lại viên đá tảng cỡ 40x 60 cm; 108 viên nối tiếp nhau từ bờ sông quán giữa về đến ngôi nhà cha mẹ tôi ở thôn Thượng, nơi có cổng xây ghi hàng chữ La mã MCMXXX ( 1930); cha mẹ tôi đã xây cổng này vào năm tôi chào đời. Tôi mong đưọc nhìn lại cái ao nhỏ trước nhà với cây sung xần xùi vì những vết dao chém. để lấy nhựa sung phất diều, chiếc diều với con sáo nhỏ kêu vi vu khi diều no gió bay lên cao. Tôi mơ được nhìn lại những luỹ tre làng, được ngửi mùi khai nồng của phân , nước đái trâu bò trong những hố phân ủ rơm rạ, nhưng tất cả đều đã không còn nữa.

Năm 1954, cha mẹ tôi đã di cư vào Nam. Cứ tưởng tượng nếu vì một lý do nào đó, cha mẹ tôi không di cư kịp năm đó, thì chắc là tai họa ghê gớm đã xẩy ra cho cha mẹ tôi năm 1956, khi giặc Cộng phóng tay phát động quần chúng, đãu tố, giết người, cướp của như chúng đã đãu tố đến chết bà cụ Chánh Vũ Đức Hoan, là chị dâu họ của Bố tôi; bà cụ Chánh Hoan đã bị bức tử, mặc dù trưởng nam là Vũ Đức Âu, anh họ tôi, là đại biểu Quốc hội Cộng Sản, và thứ nam là Thiếu tá Vũ Đúc Điệp, Tiểu Đoàn Trưởng V.C cũng không cứu nổi mẹ già.

Nay tôi đã trở về San Jose, sống an bình bên vợ con và một đàn cháu nội ngoại gần 20 đứa, tôi tạ ơn Thượng Đế đã gìn giữ tôi đi đến nơi, về đến chốn. Kỷ niệm chuyến đi thăm quê nhà cuả tôi chỉ như một giấc mơ ngắn ngủi nhưng đẹp và buồn. Giấc mơ ấy có thể đã trở thành ác mộng, nếu một tai nạn lưu thông nào đó đã xẩy đến cho tôi, và điều bất trắc ngoài ý muốn, là bất cứ một chú Công an V.C nào đó cũng có thể nhân dịp đó, giữ tôi lại ít hôm. Sự việc bất trắc nào cũng có thể xẩy ra, cho dù bạn có là công dân Mỹ đi nữa, thì cũng có thể gặp rắc rối với V.C., nếu chúng muốn gây khó khăn cho bạn. Rất may là, đối với tôi, điều ấy đã không xẩy ra.

San Jose, tháng 4-2002 h
VŨ ĐỨC HOàNH NHA

Bài hoạ của Đông Anh Nguyễn đỉnh Tạo


Nhìn cánh diều bay vút vút cao
Mây lùa theo gió bóng chim chao
Tung tăng cánh bướm hồn hoa lạ
Ồ thế mình đang bị nhốt sao?

Ta đã lưu đày ra xứ Bắc
Đất gì chứa toàn chuyện binh đao
Trùng trùng sỏi đá rừng gai nhọn
Lời nói nhân gian thiếu ngọt ngào
Gió lạnh căm căm như cắt thịt
Chân trần sương muối sát niềm đau

Thanh Chương Nghệ Tĩnh sôi thù hận
Oán chạ đầu tù việc cứ giao
Vắt kiệt sức người cho đến chết
Rồi đem thân xác rải bên cầu
Vênh vang nét mặt phường kiêu ngạo
Mở miệng tuôn ra những hỗn hào
Các Mác Lê Nin thờ quỵ lụy
Tình cha nghĩa mẹ chẳng vào đâu

Sáu năm tù, vẫn vui thơ phú
Thân mỏi mòn, sức lực tán hao
Ta vẫn cương cường cười ngạo nghễ
Sá gì đâu những chuyện gian lao
Tường giam bốn bức vây rào kẽm
Loa thét truyền thanh tiếng kẻng gào
Sát khí đằng đằng nanh vuốt nhọn
Oán hờn gieo nặng hạt mưa mau
Dân còn đói sao tù no được?
Cán bộ tranh giành bóc lột nhau
Sáu cái tết rồi trong ngục lạnh
Từ Nam ra Bắc một trời sầu
Lam giang nhuộm máu sông đen lại
Hồng Lĩnh xương tàn một đống cao
Rừng đỏ Thanh Chương trơ trụi lá
Bụi hồng phủ kín cả quanh rào
Trẻ con sơ sác không cơm áo
Đâu biết mai này sẽ tới đâu?
Cách mạng tượng trưng bao nghịch cảnh!
Trẻ già lớn bé sống chiêm bao!!!

Gia đình ly tán ra trăm mảnh
Trời thảm đất sầu, hỏi tại sao?
Con lạc lên Miên đền mạng lính
Vợ thăm tù chân thấp chân cao
Chung quanh toàn thể người xa lạ
Nón cối sao vàng mặt vênh vao
Sáu năm thôi nhé tan tành hết!
Ngục tối nhà giam hẹp khít khao
May có bạn bè bên sớm tối
Giữa vòng giây kẽm vịnh trăng sao.

Đông Anh Nguyễn Đình Tạo

Tuesday, February 24, 2009

Bài hoạ của Hà Thượng Nhân


Đường vẫn còn dài, núi vẫn cao
Tháng năm tù ngục buồn ôi chao!
Dặm về chưa hẳn là vô định
Mà chẳng về cho, biết tại sao?

Ai giam ta tháng ngày heo hút?
Ta nhớ ai tháng ngày lao đao?
Nước suối, khoai sắn chẳng no bụng
Chẳng nghe bên tai tiếng ngọt ngào
Chỉ nghe căm thù đang réo gọi
Chỉ biết trăm họ đang khổ đau

Nhân danh đoàn kết gây chia rẽ
Không cần nội trị hay ngoại giao
Chỉ biết đầy dân như súc vật
Chỉ biết làm sao đạt yêu cầu
Nhân nghĩa chẳng thể bằng quyền lợi
Trời Phật cũng quy vào địa hào
Nhìn nhau kinh ngạc, ai còn mất
Chẳng biết về đâu tới những đâu!

Mỗi đêm gục đầu thương vợ trẻ
Mà buồn trăng khuyết đĩa dầu hao
Mỗi đêm thương con trào nước mắt
Xưa nay mình vẫn khinh gian lao
Tự do dù vẫn trong tù ngục
Còn miệng làm sao không thét gào?
Còn tay làm sao không nắm chặt?
Còn chân làm sao khôn đi mau?
Còn tấm lòng này son sắt vậy
Tết về biết gửi gì cho nhau?
Gửi chung thiên hạ lời thăm hỏi
Sao vẫn thiên thu một chữ sầu?
Sao thơ chưa phải là thương nhớ
Sao nhớ thương này chất ngất cao?
Bạn về nhìn lại hành tinh biếc
Nghe lại rừng xuân gió rạt rào
Mừng thấy rằng mình còn vẫn trẻ
Mười năm đầy đọa có gì đâu!
Ta về lại ấm tình đồng đội
Nắm chặt bàn tay hả biết bao!

Ta về như trải cơn hồng thủy
Ngửa cổ nhìn trời rực rỡ sao
Mấy gã đầu bù trong quán cóc
Đập bàn hào khí đã dâng cao
Chúng dù ác độc hơn lang sói
Tấm lòng sau trước chẳng vênh vao
Lại thấy mùa xuân như vẫy gọi
Ý thiếp lòng chàng thật khít khao
Ba mươi năm đọc bài thơ cũ
Thơ của chúng mình xưa đấy sao?

Hà Thượng Nhân

Xuân Hành


Viết tặng anh Hà Thượng Nhân

Mây trắng lững lờ trên tầng cao
Đàn chim én lượn bay lao chao
Lòng ta chơi vơi xao xuyến quá
Ô hay, mùa xuân đến rồi sao?

Đã qua rồi, sáu năm tù ngục
Những ngày lưu xứ sống lao đao
Hắt hiu chốn rừng sâu, núi thẳm
Nhớ nhà thương nước tim nghẹn ngào
Núi rừng Hoàng Liên Sơn, Yên Bái
Có bao giờ lòng nguôi khổ đau!

Ta gọi tên đàn con yêu dấu
Duyên, Thơ, Trinh, Dũng, Tuấn, Quỳnh, Giao!
Thương tuổi thơ học hành dang dở
Mái đầu xanh sớm chịu cơ cầu
Mang nặng dĩ vãng bị trù giập
Ông cha xưa trí phú địa hào
Chập chững bước vào đời vắng bố
Tương lai mờ mịt biết về đâu

Thương vợ hiền sớm khuya tần tảo
Nuôi dạy con thân liễu gầy hao
Chắt chiu giọt mồ hôi nước mắt
Vượt ngàn trùng thăm ta trong lao
Phút gặp nhau nói cười ngoài mặt
Nhưng con tim nức nở réo gào
Giờ chia tay lòng đau chất ngất
Em nhìn ta nước mắt rơi mau!
Xót tình nghĩa tao khang nồng đượm
Nửa đường đời sớm tối bên nhau
Hơn sáu năm đoạn tình chăn gối
Oan khiên ơi đất thảm trời sầu!
Đêm trên nền xi măng lạnh giá
Thương căn nhà xinh trên đồi cao
Viên ngọc trắng bên lùm cây biếc
Chiều mây trôi thông reo rì rào
Chập chùng bỗng cuồng phong nổi dậy
Mái nhà thân yêu nay còn đâu?
Ôi tổ ấm một đời xây dựng
Chợt tan tành như giấc chiêm bao!

Từng đêm từng đêm sâu trằn trọc
Từng đêm thao thức với trăng sao
Nỗi hờn căm quân thù cướp nước
Tâm sự này xin gửi trời cao
Quanh ta vòng kẽm gai khép kín
Những bạn tù khuôn mặt vêu vao
Cùng ta đau niềm đau mất nước
Ôi tự do, lòng ta khát khao
Bao đêm mơ giấc mơ phục quốc
Than ôi! ta chẳng già rồi sao?

Trại 6 Thanh Chương, Nghệ Tĩnh 1/1981
Vũ Đức Nghiêm