Wednesday, February 25, 2009

Quê nhà, 50 năm trở lại - Ký của Vũ Đức Hoành Nha


Thế là tôi đã trở về quê nhà , làng Hoành Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam định, sau nhiều năm dài trăn trở, trong nỗi niềm hoài hương canh cánh bên lòng. Tôi đã quyết định về thăm quê tôi, thăm mồ mả tổ tiên một lần,thăm lại anh em họ hàng một lần trước khi quá muộn.

Máy bay đáp xuống sân bay Nội bài, tôi chống gậy đi theo con gái và con trai út rời phi trường, lấy taxi về Hànội. Xe chạy chừng 1/2 giờ vào tới trung tâm thành phố. Chúng tôi lấy phòng ở khách sạn Youth, đường Lương văn Can, cách xa Hồ Hoàn Kiếm chừng 300m. Sau khi nhận phòng,mấy bố con đi bộ ra Hồ ,xem lại nơi xưa. Càu Thê Húc còn đây, Tháp Rùa xưa vẫn đó, nhưng tâm trạng của người trở về nơi in dấu chân của mình 50 năm trước thật là bồi hồi và bâng khuâng vô cùng.

Cuôc hội ngộ với ông anh họ và chị dâu và các cháu thật là cảm động. Tôi rưng rưng cầm tay anh tôi, xưa là một thanh niên đẹp trai, cường tráng, nay đã thành cụ già gần 80, đầu râu tóc bạc. Anh em tâm tình, gợi lại những kỷ niệm xưa, kẻ còn người mất.Những ngày sau đó, tôi cùng các con và chú Châu, em ruột tôi còn ở lại Việt nam hướng dẫn đi thăm Vịnh Hạ Long. Phong cảnh Hạ long,đẹp nên thơ, tôi chợt nhớ lại, nơi này, hơn 60 năm trước, cha mẹ tôi đi thuyền ra thăm Vịnh, lúc về, bị gió bão nổi lên suýt nữa đắm thuyền.

Trở về Hànội, tôi có dịp các bạn đồng môn Chu văn An (lớp Đệ Nhị C,năm 1950-51) tại một quán thịt chó ở phố Hàng Lược. Khoảng gần 20 anh chị đến gặp tôi, nhắc nhở kỷ niệm xưa,trong đó có Trần phi Hiển, nay là bác sĩ, và các bạn Nguyễn Tô, Nguyễn bội Tài và vợ là Trần Tuệ Khanh,em gái Trần Phi Hiển, Kiều Duy Vĩnh, Trịnh văn Tú,Phạm Xỹ Bích, va một số bạn khác không nhớ hết tên.Ròi ngày đợi mong cũng đã đến. Sáng thứ bẩy ngày 9 tháng ba, chúng tôi thuê bao taxi một ngày đi về làng, qua thành phố Nam định, giá tiền khoảng 60 USD. Tài xế taxi đúng 6giò 30 đến đón ở khách sạn. Sau khi ăn phở gà , chúng tôi khởi hành. Xe chạy bon bon trên Quốc lộ 1. Tới Nam định khoảng 9 giờ sáng, tôi nhờ tài xế chạy một vòng xem lại phố xá với hy vọng tìm lại ít dấu vết ngàyxưa.

Tôi bồi hồi nhìn lại Chợ Rồng, bến Ô tô Nam định, Trường Cửa Bắc, (tên cũ là Jules Ferry), nơi 60 năm trước tôi còn là chú bé Tiểu học. Tất cả đều đã đổi thay không còn nhìn ra . Tôi ghé vào Nhà Thờ Tin Lành Nam định, nơi 58 năm xưa tôi gặp cô bé học sinh lớp Nhất, là fiancée của tôi ,để mà mường tượng tới những hình ảnh thân yêu ngày còn thơ ấu.Nhưng rất tiếc,cảnh đổi thay trước mắt đã làm nhạt nhòa tất cả khiến cho lòng cảm thấy buồn man mác.

Xe chạy qua đường Paul Bert(tên cũ), đến góc đường Carreau, tôi nhớ lại nơi đây, hơn 50 năm trước, những chàng trai bỡ ngỡ trên đườngvàoTrường Sĩ Quan Trừ bị Nam Định.trong trại Carreau. Xe chạy băng qua cầu Đò Quan, nơi xưa là bến phà Đò Quan, trên đường qua Cổ Lễ, rồi đến cầu Lạc Quần, nghe nói là của một ông vua bên châu Âu tặng tiền xây cầu thay thế phà Lạc Quần. Ngày xưa xe cộ qua đây đều phải qua bằng phà, có người hát xẩm mù lòa, kéo nhị hát rong kiếm sống nhờ lòng từ thiện của khách qua sông. Qua cầu Lạc Quần, xe chạy dọc ven đê sông Ninh Cơ, hướng về dốc Bùi Chu, ngừng lại bên cầu làng Xuân Bảng, quê ngoại tôi. Tôi đứng lặng bên cầu, bồi hồi nhớ Mẹ .

Hơn 60 năm rồi, hình ảnh dịu dàng của mẹ tôi, mỗi vài tháng về thăm quê ngoại một đôi lần, thăm hai anh em, em Chỉnh và tôi,hồi đó trọ học ở nhà ông bà ngoại; mỗi lần tiễn mẹ về quê nội Hoành Nha, cách xa chừng 6,7 km khi chia tay ở bên cầu, hai anh em cùng khóc vì nhớ Mẹ, nhưng cùng giấu nhau là mình khóc nhớ mẹ. Mẹ yêu qúy của chúng con! Nay Mẹ đã vĩnh viễn xa rời chúng con, nhưng hình ảnh Mẹ hiền yêu dấu chẳng bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng chúng con!

Đã đến ranh giới huyện Giao Thủy, bên đường có một tấm bảng lớn với dòng chữ: Huyện Giao Thủy welcomes to You (!) và gần đãy là trạm bán nhiên liệu với bảng ghi : Trạm bán Xăng Dầu Hoành Nha. Đã đến đầu làng tôi rồi! Xe taxi rẽ tay phải, ngừng tại địa điểm quy lăng, nơi các ngôi mộ của các dòng họ lớn trong làng được cải táng và xây đắp theo hàng lối rất quy củ và trật tự. Tôi ngồi lặng lẽ bên ngôi mộ ông bà nội, nước mắt muốn trào ra, nhưng kìm lại được. Ông Bà Nội kính mến của con, thế là hơn 50 đã qua kể từ ngày ông bà nội qua đời, nay thằng cháu lãng tử hư đốn của ông bà nay mới có dịp đến thăm mộ ông bà nội.Kỷ niệm cuối cùng con nhìn thấy ông nội là một ngày đầu năm 1949, sau khi ăn tết Kỷ Sửu, con theo anh Cả con lên Hà Đông, nơi anh con làm thẩm phán để theo học lớp Đệ Tứ, ông nội tiễn chân hai anh em con ra tới Quán Giữa..

Từ Bến May ngoảnh lại, con nhìn thấy ông nội khoác chiếc áo lông cừu mầu đen, một tay cầm gậy, một tay vẫy hai đứa cháu. Còn nhớ khoảng những năm 1936-37, ông bà nội lên Thái Bình thăm bố con. Xe ông bà vừa tới trước nhà số 25, đường Miribel, con đã chạy ra, ôm hôn ông bà tới tấp. Ngày nay, mỗi lần mấy đứa cháu nội, ngoại của con ôm hôn con, con thấy cha mẹ chúng nó cũng hài lòng như bố con đã hài lòng khi thấy con ôm hôn ông bà nội khi xưa. Từ biệt mộ ông bà nội, tôi ghé lại thăm mộ bác Lục, cụVũ đức Phúc,là anh ruột bố tôi , mộ mấy ông bà chú bác và mấy anh họ , cùng dòng Vũ Đức. Phần lớn các anh em họ tôi đều qua đời khá trẻ, ở tuổi 50,60 là cùng. Sau đó, là chương trình đi thăm mấy người bà con trong đại gia tộc. Tất cả đều tỏ vẻ vui mừng gặp lại người đi xa về.

Tôi tìm về khu nhà của cha mẹ ngày xưa, nay đã bị chia cho các bần cố nông sau vụ Cải cách ruộng đất 1956 và đứng lặng trước một di tích cuối cùng : tôi ngậm ngùi nhìn bể nước xây xi măng ở trước phòng cha mẹ tôi, chính ở phòng này, mẹ đã sinh em trai út, và cũng là nơi em gái tôi, Vũ thị Ngọc Lan thở hơi cuối cùng trên tay mẹ.Tôi còn mường tượng thấy tiếng gào khóc của Mẹ khi mất em Lan, tiếng khóc của mẹ day dứt, xoáy mạnh vào tim tôi dù đã hơn nửa thế kỷ qua rồi. Tôi lặng nhìn căn phòng này, nơi duy nhất không bị tàn phá, hiện có người ở; rất tiếc, người ấy đi vắng, nên tôi không xin phép vào thăm được. Căn phòng này dường như đã lâu lắm không được quét vôi nên trông xuống cấp thảm hại. Sau đó em Châu hướng dẫn đi thăm một bà chị họ , khi được giới thiệu, chị đứng lặng người rồi ôm choàng tôi, miệng nói: ‘’Em tôi!’’ Tôi cũng gặp một vài thanh niên, con của các anh họ tôi, chúng có vẻ ngơ ngác khi nói chuyện với tôi. Tâm trạng tôi bồi hồi như một nhà thơ Đưòng đã viết:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao thôi,
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn : khách tòng hà xứ lai ?
(tạm dịch:)
Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
Tóc râu bạc, giọng quê không đổi.
Trẻ thơ gặp ta, chẳng từng quen
Cười hỏi: khách từ phương nào tới?

Trên đường về, tôi mang tâm trạng nửa vui, nửa buồn, vì đã hoàn thành nguyện ước thăm lại quê nhà, trước khi quá muộn. Có một nhà văn Pháp đã viết: ‘’ Tous les changements, même les plus souhaités,ont leur mélancholie.’’ (tạm dịch: Mọi sự đổi thay, dù là những điều ta mong muốn nhất đều có những nỗi u buồn. )

Quê tôi đã có nhiều thay đổi,nhưng khi trở về, tôi mong được nhìn lại con đường xưa, quanh co, nhỏ hẹp, và khi trời mưa, thì rất lầy lội; tôi muốn được nhìn thấy ngôi đình làng, nơi tôi học đánh vần abc,tôi mơ được nhìn lại viên đá tảng cỡ 40x 60 cm; 108 viên nối tiếp nhau từ bờ sông quán giữa về đến ngôi nhà cha mẹ tôi ở thôn Thượng, nơi có cổng xây ghi hàng chữ La mã MCMXXX ( 1930); cha mẹ tôi đã xây cổng này vào năm tôi chào đời. Tôi mong đưọc nhìn lại cái ao nhỏ trước nhà với cây sung xần xùi vì những vết dao chém. để lấy nhựa sung phất diều, chiếc diều với con sáo nhỏ kêu vi vu khi diều no gió bay lên cao. Tôi mơ được nhìn lại những luỹ tre làng, được ngửi mùi khai nồng của phân , nước đái trâu bò trong những hố phân ủ rơm rạ, nhưng tất cả đều đã không còn nữa.

Năm 1954, cha mẹ tôi đã di cư vào Nam. Cứ tưởng tượng nếu vì một lý do nào đó, cha mẹ tôi không di cư kịp năm đó, thì chắc là tai họa ghê gớm đã xẩy ra cho cha mẹ tôi năm 1956, khi giặc Cộng phóng tay phát động quần chúng, đãu tố, giết người, cướp của như chúng đã đãu tố đến chết bà cụ Chánh Vũ Đức Hoan, là chị dâu họ của Bố tôi; bà cụ Chánh Hoan đã bị bức tử, mặc dù trưởng nam là Vũ Đức Âu, anh họ tôi, là đại biểu Quốc hội Cộng Sản, và thứ nam là Thiếu tá Vũ Đúc Điệp, Tiểu Đoàn Trưởng V.C cũng không cứu nổi mẹ già.

Nay tôi đã trở về San Jose, sống an bình bên vợ con và một đàn cháu nội ngoại gần 20 đứa, tôi tạ ơn Thượng Đế đã gìn giữ tôi đi đến nơi, về đến chốn. Kỷ niệm chuyến đi thăm quê nhà cuả tôi chỉ như một giấc mơ ngắn ngủi nhưng đẹp và buồn. Giấc mơ ấy có thể đã trở thành ác mộng, nếu một tai nạn lưu thông nào đó đã xẩy đến cho tôi, và điều bất trắc ngoài ý muốn, là bất cứ một chú Công an V.C nào đó cũng có thể nhân dịp đó, giữ tôi lại ít hôm. Sự việc bất trắc nào cũng có thể xẩy ra, cho dù bạn có là công dân Mỹ đi nữa, thì cũng có thể gặp rắc rối với V.C., nếu chúng muốn gây khó khăn cho bạn. Rất may là, đối với tôi, điều ấy đã không xẩy ra.

San Jose, tháng 4-2002 h
VŨ ĐỨC HOàNH NHA

1 comment:

  1. Bài viết của anh rất hay đã gợi lại trong tâm trí em những kỷ niệm êm đềm đã trôi qua ở nơi quê nhà cách dây trên 50 năm...
    Em Vũ Ngọc Châu

    ReplyDelete